Trong các loại thực phẩm cho bé hiện nay, cua biển là món ăn rất giàu dinh dưỡng và lại tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Tuy vậy, nếu như ba mẹ không biết cách nấu cháo cua biển cho bé thì món cháo này sẽ rất dễ bị tanh và khiến cho bé yêu cảm thấy rất ngán.
Hẳn nhiều ba mẹ còn đang băn khoăn không biết cách nấu cháo cua biển như thế nào để vừa ngon mà lại tốt cho sức khỏe của bé. Trên thực tế, đây không phải là món ăn khó nấu mà chỉ cần nắm được một số bí quyết là mẹ sẽ thấy món ăn này rất dễ chế biến và lại cực kỳ thơm ngon. Ba mẹ hãy cùng blog tapchiandam.com xem qua những chia sẻ dưới đây nhé!
Contents
1. Cháo cua bí đỏ
Trong bí đỏ có chứa rất nhiều vitamin C tốt cho sự phát triển trí não của trẻ, giúp tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tật.
Nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu món cháo cua bí đỏ
- Thịt cua biển làm sẵn: 100g
- Bí đỏ: 25g
- Hạt sen tươi: 25g
- Gạo: lượng vừa phải
- Gia vị: nước nắm, dầu ăn, hạt nêm, đường
Cách nấu món cháo cua bí đỏ
Vo sạch gạo rồi cho nước vào nồi và ninh nhừ thành cháo.
Gọt sạch vỏ bí đỏ, thái nhỏ rồi cho vào nồi nấu cùng cháo hoặc hấp cho chín mềm.
Hạt sen nhặt bỏ hạt sâu, tách bỏ tim sen và luộc hoặc hấp cùng bí đỏ cho mềm, nghiền hơi nhuyễn.
Thịt cua xé thật nhuyễn mịn. Cho một ít dầu ăn vào chảo rồi để lên bếp, tiếp theo cho thịt cua vào xào, nêm thêm gia vị cho vừa ăn.
Cho bí đỏ, hạt sen, cua vào nồi cháo và tiếp tục đun sôi. Trong quá trình nấu bạn nên dùng thìa khuấy đều để cháo không dính đáy nồi gây cháy.
Cuối cùng nêm thêm gia vị và tắt bếp.
Để nguội và múc ra bát cho bé, trộn 1 thìa súp dầu ăn dành cho bé ăn dặm vào và cho bé thưởng thức.
-
Cách nấu cháo cua biển khoai mỡ
Nguyên liệu nấu cháo cua biển khoai mỡ
- Thịt cua làm sẵn: 30g
- Mỡ heo: 10g
- Thịt heo nạc: 10g
- Khoai mỡ: 100g
- Hành, ngò gai
- Gia vị các loại, dầu ăn dành cho bé ăn dặm
Cách nấu món cháo cua biển khoai mỡ
Cắt nhỏ mỡ heo, thịt heo nạc thái mỏng, sau đó xay mịn cùng với thịt cua. Nêm gia vị rồi dùng muỗng to quết lại cho thật mịn. Để khoảng 15 phút.
Khoai mỡ gọt vỏ, rửa sạch, nạo nhuyễn.
Cho 200ml nước vào nồi, nấu sôi. Vo phần chả cua thành từng viên nhỏ thả vào đến khi các viên chả cua nổi lên thì vớt ra. Tiếp theo, bạn cho khoai mỡ vào nồi, nấu thành cháo sệt.
Khi cháo sôi, cho chả cua vào nấu chung, khi sôi thì tắt bếp. Cho ra tô, rắc hành, ngò gai thái nhuyễn lên trên và cho bé thưởng thức.
-
Cháo cua biển rau ngót
Rau ngót và cua biển khi kết hợp lại với nhau sẽ tạo thành một món cháo giàu dưỡng chất cho bé. Trong rau ngót rất giàu vitamin nhóm B, có nhiều đạm và vitamin C, giúp tăng sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tật.
Nguyên liệu nấu món cháo cua biển rau ngót
- Thịt cua biển: 50g
- Bột gạo hoặc cháo trắng: lượng vừa phải
- Rau bồ ngót: lượng vừa phải, tùy theo khẩu vị của bé
- Nước mắm, gia vị các loại, dầu ăn cho bé ăn dặm.
Cách nấu cháo cua biển rau ngót
Thịt cua xé nhỏ, nhặt sạch phần vỏ vỡ.
Rau bồ ngót nhặt sạch, ngâm với nước muối loãng khoảng 5 phút, vớt ra, vẩy ráo, thái nhuyễn.
Cháo trắng cho vào nồi nhỏ, đun sôi. Cho phần thịt cua, rau ngót cắt nhỏ vào nấu cùng cho đến khi rau chín mềm, dậy mùi thơm thì tắt bếp.
Nếu bé đã hơn 1 tuổi, trước khi cho bé thưởng thức, bạn nêm nếm chút nước mắm ngon để làm tăng hương vị cho món cháo.
-
Cháo cua cà rốt
Trong cà rốt chứa rất nhiều beta-carotene, đây là một chất cần thiết cho sự phát triển lành mạnh ở trẻ em. Khi được hấp thụ vào cơ thể, dưỡng chất này sẽ được chuyển hóa thành vitamin A rất tốt cho mắt.
Nguyên liệu nấu món cháo cua cà rốt
- Thịt cua làm sẵn: 100g
- Cà rốt: 1 củ
- Ngô: 1/2 trái
- Rau mùi: 1 nhánh
- Hành khô: 1 củ
- Gạo tẻ: lượng vừa phải
- Gia vị: đường, muối, hạt nêm, dầu ăn cho trẻ.
Cách nấu cháo cua biển cho bé với cà rốt
Luộc cua với sả và một ít gừng. Sau đó, gỡ thịt cua cẩn thận, tránh sót vỏ cua trong thịt.
Bắp gỡ lấy hạt, đem xay với nước.
Gạo vo sạch, cho vào nồi cùng với nước ngô xay, bắc lên bếp đun cùng nửa củ cà rốt cắt miếng to để nước ngọt hơn, nửa củ cà rốt còn lại đem băm nhỏ để bé dễ ăn.
Khi cháo sôi, cà rốt mềm, bạn vớt bỏ các miếng cà rốt hầm và cho cà rốt đã băm nhuyễn vào nấu chín.
Xé cho thịt cua tơi ra, cho dầu ăn vào chảo và phi nửa củ hành băm nhỏ thật thơm rồi cho thịt cua vào đảo nhanh tay.
Cho cháo ra bát nhỏ, rắc thịt cua lên trên, cuối cùng cho thêm rau mùi, dầu ăn dành cho bé ăn dặm vào, trộn đều và cho bé thưởng thức.
Tìm hiểu công dụng của cua biển đối với sức khỏe trẻ nhỏ
Đây là món cháo được nhiều bà mẹ nghĩ đến nhất khi lên thực đơn hàng ngày cho bé vì món ăn không chỉ hấp dẫn và dễ ăn mà còn cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của bé.
Cua biển là loại thực phẩm có chứa rất nhiều canxi – đây là dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển răng và xương của trẻ nhỏ. Theo như nghiên cứu, thịt cua biển có chứa một lượng lớn protein dễ tiêu hóa, giúp bé tăng cân nhanh. Bên cạnh đó, trong cua biển còn có axit béo và omega-3 rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.
Một số khoáng chất khác có trong cua biển như kẽm, crom, selen có công dụng giúp cân bằng cơ thể và kích thích bé ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra, vitamin A và C có trong cua biển có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật và hỗ trợ phát triển thị lực. Nhất là khi cho bé ăn cua biển, mẹ không cần lo lắng vấn đề về thủy ngân vì độc tố này trong cua biển rất ít, ít hơn các loại cá ngừ, cá biển. Do vậy, loại thực phẩm này hoàn toàn bảo đảm đối với sức khỏe của trẻ.
Thời điểm nào mẹ nên cho bé ăn cháo cua biển?
Đầu tiên, mẹ cần tìm hiểu về thời gian có thể bắt đầu cho bé ăn cháo cua biển trước khi học cách nấu cháo cua biển cho bé. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, mẹ có thể cho bé ăn cháo cua từ 7 tháng tuổi, tuy vậy, dựa theo độ tuổi khác nhau mà lượng ăn sẽ khác nhau:
- Từ 7–12 tháng tuổi: Bạn có thể cho bé ăn 20–30g thịt cua/bữa
- Từ 1–3 tuổi: Bạn có thể cho bé ăn 30–40g thịt cua/bữa
- Từ 4 tuổi trở lên: Bạn có thể cho trẻ ăn 50–60g thịt cua/bữa.
Mách mẹ cách chọn cua biển ngon để nấu cháo cho trẻ
Món cháo cua biển chỉ thơm ngon và bổ dưỡng khi mẹ biết chọn cua biển chuẩn, vì thế mẹ hãy chọn những con cua có thịt chắc, nặng, khỏe mạnh và nhanh nhẹn để đảm bảo được độ tươi ngon sau khi chế biến. Mẹ hãy mua cua sống về và chế biến ngay, tuyệt đối không mua cua “ngộp” hoặc bị ướp đá bởi vì thịt của chúng thường không ngon.
Bên cạnh đó, mẹ hãy chọn những con cua còn đủ càng và chân. Càng và chân cũng phải gắn chặt vào thân, cử động của cua phải linh hoạt, mai cua phải còn nguyên vẹn. Khi mẹ muốn mua cua nhiều thịt thì nên chọn cua đực vì cua cái thường nhiều gạch và rất ít thịt.
Khi mua về xong, mẹ cần làm sạch cua một cách kỹ lưỡng bằng cách bỏ phần vỏ và phần yếm mà chỉ giữ lại thịt cua. Khi tách vỏ, mẹ cần đảm bảo khong còn vỏ cua lẫn bên trong thịt, nếu không bé có thể bị hóc hoặc xước miệng.
Những lưu ý khi mẹ cho bé ăn cháo cua biển
- Mặc dù đây là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe nhưng mẹ vẫn cần cẩn thận khi cho bé dùng nhất là với những trẻ dưới 1 tuối vì có thể gây ra dị ứng.
- Ở giai đoạn đầu khi mới cho bé ăn cua, mẹ hãy cho bé làm quen với các món ăn có thịt cua từ 2-3 ngày liên tục và quan sát xem trẻ có các triệu chứng dị ứng không.
- Lưu ý lượng thịt cua cho trẻ ăn thịt cua nên ít hơn định lượng so với thịt heo vì cua có rất nhiều đạm, ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.
- Chỉ nên cho bé ăn thịt cua, không ăn gạch vì rất dễ bị đầy hơi, khó tiêu.
Với những thông tin được chia sẻ ở trên, hy vọng mẹ đã biết cách nấu cháo cua biển để bé được thưởng thức món cháo thơm ngon giàu dinh dưỡng.