Lần đầu tiên cho bé ăn dặm luôn là khoảnh khắc đáng ghi nhớ của bất kỳ ba mẹ nào. Có rất nhiều điều cần học, cần ghi nhớ để cùng con ăn dặm không phải là cuộc chiến. Mẹ đã sẵn sàng tìm hiểu về cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên và những nguyên tắc cần ghi nhớ chưa? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Contents
1. Những nguyên tắc cần nhớ khi cho con ăn dặm lần đầu
Sẽ có rất nhiều nguyên tắc cần nhớ, có thể chia nhỏ thành các nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc trong lựa chọn thực phẩm
– Lựa chọn thực phẩm ăn dặm cho bé phù hợp với từng giai đoạn và với phương pháp ăn dặm
– Thực phẩm tươi, ngon, đảm bảo vệ sinh
– Đa dạng thực phẩm trong mỗi bữa ăn của trẻ
Nguyên tắc trong chế biến thực phẩm
– Ăn bữa nào chế biến bữa đấy, hãy bắt đầu từ các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật trước sau khi hệ tiêu hóa của bé đã quen dần với thức ăn hãy thêm thịt, cá, trứng để con làm quen.
– Tùy vào từng phương pháp ăn dặm mà có cách chế biến khác nhau, đối với ăn dặm truyền thống mẹ có thể trộn các loại thực phẩm vào rồi nấu chín. Đối với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mỗi loại thực phẩm cần được nấu riêng và chỉ trộn chung khi cho bé ăn. Đối với ăn dặm chỉ huy BLW bé chủ yếu ăn đồ hấp, luộc nên mẹ cần chế biến thực phẩm dạng thanh dài cho bé dễ cầm nắm.
– Đa dạng thực phẩm trong mỗi bữa ăn nhưng vẫn đảm bảo đủ 4 nhóm: tinh bột, chất xơ, protein và vitamin.
– Trong khoảng 1 tháng đầu tiên, tất cả các món ăn đều phải được chế biến nhuyễn, mịn. Khi con đã quen với ăn dặm thì tăng dần độ thô của thức ăn.
– Không cho bé dưới 6 tháng tuổi ăn dầu ăn dặm, không cho bé dưới 1 tuổi ăn gia vị ăn dặm như mắm, muối, đường, … Tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi ăn mật ong vì dễ gây ngộ độc.
>>> Tìm hiểu cách chế biến rau cho bé ăn dặm kiểu Nhật, thơm ngon, giàu dinh dưỡng
Nguyên tắc trong khi cho con ăn
– Lượng ăn trong những bữa đầu tiên bắt đầu từ 5ml và tăng dần trong những tuần tiếp theo
– Cho con ăn vừa đủ, không bắt ép khi con đã muốn dừng
– Ăn dặm chỉ là bữa phụ, bé vẫn cần nạp vào cơ thể lượng sữa mẹ và sữa công thức như bình thường
– Bữa ăn không kéo dài quá 30 phút, hãy cố định con trên ghế ăn dặm để con dễ ăn và dễ tiêu hóa hơn
Nguyên tắc sau bữa ăn của trẻ
– Chỉ cho con nhấp 1 chút nước trắng tráng miệng, không cho trẻ uống quá nhiều nước
– Ngồi nói chuyện với con nhẹ nhàng, hạn chế vận động mạnh. Để con ngồi thẳng thắn là tốt nhất, con sẽ ít bị trớ
– Không cho con đi ngủ ngay sau khi ăn, dù bé có buồn ngủ cỡ mấy, mẹ cũng cố gắng cho con tỉnh táo ít nhất 30 phút kể từ khi kết thúc bữa ăn.
Nguyên tắc trong bảo quản thực phẩm
– Đối với ăn dặm truyền thống hay ăn dặm chỉ huy thì cách chế biến rất nhanh và đơn giản, mẹ hoàn toàn có thể nấu bữa nào cho con ăn bữa đó. Nhưng đối với ăn dặm kiểu Nhật, càng về sau giai đoạn ăn dặm, việc chế biến thực phẩm càng cầu kỳ, nhiều chi tiết. Mẹ cần quan tâm đến chuyện bảo quản thực phẩm đã chế biến sẵn trong khay đá, làm đông thành các viên vừa ăn trong mỗi bữa của trẻ.
– Trước khi cho thực phẩm bảo quản đông ra sử dụng cần rã đông trong ngăn mát
– Thực phẩm rã đông rồi không nên cho vào trữ đông trở lại
2. Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên ngon miệng và đầy hứng thú
Lần đầu tiên ăn dặm của trẻ chẳng có thức ăn gì quá phức tạp chỉ đơn thuần là 1 chút cháo trắng tỉ lệ 1 : 10 hoặc 1 thìa bột ăn dặm ăn liền. Vậy mẹ cần làm gì để bữa ăn đầu tiên của con trở lên ngon miệng và đầy hứng thú?
– Thời gian bắt đầu: cho con ăn vào khung giờ từ 10h – 11h sáng, trước khi bé ăn dặm, mẹ đừng cho con ăn hay ty sữa mẹ nhé.
– Trang trí bát ăn bắt mắt: dù chỉ là 1 chút thức ăn nhưng mẹ cũng nên dành thời gian trang trí cho bé bát ăn xinh xắc, nhiều màu sắc. 1 chiếc bát ăn hình động vật, 1 chiếc thìa ăn dặm nhiều màu sắc sẽ thu hút sự chú ý của bé ghê gớm.
>>> Tham khảo thực đơn ăn dặm của viện dinh dưỡng cho bé tập ăn dặm
– Kiên trì: có thể thìa đầu tiên mẹ đút bé sẽ ăn ngoan và ngoảnh đi ở thìa thứ 2 hay thứ 3. Khi bị bé từ chối, hãy kiên nhẫn đưa thìa về phía bé vài lần, con sẽ hợp tác và há miệng ngay thôi.
– Đừng kéo dài bữa ăn quá 30 phút: đây là lời khuyên của không ít chuyên gia dinh dưỡng. 30 phút là thời gian vừa đủ để hệ tiêu hóa xử lý thức ăn và tạo cảm giác no. Nên sau 30 phút, các bé thường sẽ từ chối thức ăn mẹ đưa đến.
– Tạo không khí vui vẻ: động viên, cổ vũ con trong những thìa cháo đầu tiên sẽ giúp trẻ có hứng thú và tiếp tục ăn những thìa sau.
Với những nguyên tắc được tổng hợp lại như trên và cách để cho con ăn dặm lần đầu tiên đầy hứng thú và ngon miệng, mẹ đã sẵn sàng lên thực đơn cho bữa đầu tiên của con chưa? Bắt tay vào triển khai thôi mẹ nhé!