Quy tắc bàn tay cho trẻ ăn dặm là gì, khi áp dụng quy tắc bàn tay đơn giản, dễ nhớ sẽ khiến ba mẹ giảm bớt căng thẳng và không còn lo âu khi cho trẻ ăn dặm.
Contents
Ngón út – Kim đồng hồ xác định thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm
Ứng với mốc thời gian đầu tiên bắt đầu cho trẻ ăn dặm đó là ngón út. Khi bước sang tháng thứ 6, trẻ có những dấu hiệu sau đây có nghĩa là đã sẵn sàng ăn dặm:
- Trẻ ngồi vững và giữ thẳng đầu khi ngồi.
- Trẻ với tay lấy đồ và đưa vào miệng.
- Khi trẻ gặm đồ chơi, mẹ thấy như thể trẻ đang “nhai”.
- Trẻ đói thường xuyên cho dù mới vừa bú no và ngủ không sâu như trước, mắt thèm thuồng, miệng chóp chép khi nhìn mẹ ăn hay được cho liếm đồ ăn.
Ngón áp út – Khẩu phần đủ 4 nhóm chất
Ngón số 4 là ngón áp út – ngón số 4 nhắc mẹ phải nằm lòng 4 nhóm dưỡng chất bao gồm đạm – đường bột – béo – vitamin và khoáng chất khi lên thực đơn cho con. Để có thể làm được điều này, ba mẹ lưu ý cần tập cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau.
Ngón giữa – Phương pháp là trung tâm
Phương pháp ăn dặm được đại diện bởi ngón giữa – điều mà mẹ cần xoay quanh và tập trung một cách thống nhất.
Có rất nhiều phương pháp ăn dặm hiện nay như phương pháp ăn dặm truyền thống, phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW), phương pháp ăn dặm kiểu Nhật… Trên thực tế, không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, vì vậy, phương pháp đúng nhất là phương pháp phù hợp nhất với trẻ. Để có thể chọn đúng phương pháp ăn dặm cho trẻ, mẹ cần lắng nghe nhu cầu của trẻ và cơ thể của con rồi mới nên quyết định lựa chọn phương pháp nào.
Ngón trỏ – Không dùng ngón trỏ
Đây là ngón tượng trưng cho sự chỉ đạo, áp đặt, trách phạt. Đa số phụ huynh Việt khi con bước vào giai đoạn ăn dặm đều dễ căng thẳng nên có thể có những hành động thiếu kiềm chế với con, biến mỗi bữa ăn thành một cuộc chiến.
Tuy vậy, khi trẻ căng thẳng, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ không hoạt động tốt. Chính vì vậy, dù trẻ ăn ít hay nhiều, hợp tác hay không, mẹ nên tránh tạo tâm lý sợ hãi, lo lắng cho con bằng cách la mắng.
Một số “câu thần chú” cho mẹ cho việc không sử dụng ngón trỏ:
Quẳng cái cân đi và thật kiên nhẫn: việc con ăn không bao nhiêu mà “bày” là chính dễ khiến mẹ phát rồ. Tuy nhiên, “thành quả” quan trọng nhất của giai đoạn ăn dặm không phải là lượng thức ăn được đưa vào bao tử, mà là trẻ phát triển toàn diện các giác quan thông qua hành động nhìn ngắm, nếm, ngửi, bốc để cảm nhận kết cấu…
Bình tâm nếu con không hợp tác: Không phải lúc nào con cũng vui vẻ ngồi vào bàn và khám phá các món mẹ kỳ công chuẩn bị. Cách tốt nhất là ngưng bữa ăn khi con có thái độ không hợp tác, tìm hiểu nguyên do và giải quyết trước khi đến bữa sau.
Ngón cái – Đại diện cho chất béo
Chất béo là nhóm chất rất quan trọng trong 3 năm đầu đời nhưng hay bị mẹ “kỳ thị”.
Theo TS-BS Trương Hồng Sơn (Phó tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam): “Khi trẻ lên 3 tuổi, về mặt cấu tạo vật chất, não trẻ đã hoàn thiện 80% so với bộ não của người lớn. Chất béo chiếm khoảng 60% thành phần vật chất cấu thành não cứng, vừa tham gia cấu tạo tế bào não. Ngoài ra, chất béo còn là dung môi hòa tan các vitamin A, D, E, K”.
Chế độ ăn của người lớn và trẻ em khác nhau chủ yếu là ở chất béo. Trẻ em từ 6 – 12 tháng cần 45% chất béo trong khẩu phần ăn và từ 1 – 3 tuổi là 30 – 40%. Người lớn cần “kiêng khem” chất béo trong khi trẻ luôn “tiêu hao” lượng chất béo rất lớn vào 2 nhiệm vụ “xây” não và hòa tan các vitamin. Vì vậy, hầu như không có tình trạng trẻ béo phì do dư chất béo như mẹ thường “đổ oan” cho nhóm chất này.
Trong các loại thực phẩm giàu chất béo, mẹ đừng quên trứng, tảo biển và những loại cá béo biển sâu như cá thu, cá trích, đặc biệt là cá hồi rất giàu DHA, EPA rất tốt cho não trẻ.
Ở giai đoạn dưới 3 tuổi, do lượng thực phẩm trẻ đưa vào cơ thể không nhiều nên để đảm bảo trẻ được cung ứng đủ lượng chất béo cần thiết, mẹ có thể bổ sung dầu ăn dinh dưỡng đặc chế từ cá hồi vào bữa ăn hằng ngày của con theo liều lượng 2 muỗng/ngày (mỗi bữa 1 muỗng), trộn trực tiếp vào thức ăn khi còn ấm.
Thuộc lòng quy tắc bàn tay: ngón út – chọn đúng thời điểm, ngón áp út – cân đối khẩu phần 4 nhóm chất, ngón giữa – chọn phương pháp ăn dặm, ngón trỏ – không áp đặt, ngón cái – bổ sung đủ chất béo, mẹ đã nắm trong tay các kiến thức nền tảng để tự tin cùng con bước vào giai đoạn ăn dặm.
~Nguồn: Sưa tầm~