Bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày – mẹ đã nghe đến thông tin này chưa? Bảng này ghi lại lịch ăn dặm của con trong ngày để mẹ nắm rõ cũng như sắp xếp thời gian cho con ăn khoa học nhất. Nếu chưa nghe đến thuật ngữ này, hãy cùng tìm hiểu để làm luôn cho bé 1 bảng mẹ nhé.
Contents
1. Bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày như thế nào là hợp lý?
Nguyên tắc chia bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày cần dựa trên 3 tiêu chí sau đây:
Thời gian tiêu hóa thức ăn của bé
– Sữa mẹ: bé cần 1 – 2 giờ để tiêu hóa hết
– Sữa công thức: 2 – 3 giờ
– Thức ăn nhẹ: 3 – 4 giờ
– Thức ăn thông thường: 4 – 5 giờ
– Thức ăn có dầu mỡ: 5 – 6 giờ
Lượng đạm bé cần mỗi ngày
– Trẻ dưới 6 tháng tuổi: cần 20 – 22g đạm/ngày
– Bé 6 – 12 tháng tuổi: 25 – 35g
– Bé 1 – 2 tuổi: 28 – 30g
Sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn chính
Giai đoạn con mới tập ăn dặm, sữa mẹ và sữa công thức vẫn là nguồn thức ăn chính bé cần mỗi ngày. Còn bột ăn dặm, cháo ăn dặm chỉ là các món ăn bổ sung giúp cung cấp năng lượng cho con. Vậy nên mẹ đừng quên sắp xếp lịch bé bú sữa trong bảng thời gian này.
2. Bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày theo từng phương pháp
Theo phương pháp ăn dặm chỉ huy BLW
Thời gian | Hoạt động |
7h30 | Thức dậy và bú sữa |
8h – 11h30 | Ngủ |
11h30 | Ăn dặm BLW và bú sữa |
13h30 – 16h | Ngủ |
16h | Bú sữa |
18h30 – 19h | Ăn dặm BLW rồi bú sữa |
19h – 20h | Có thể cho bé bú sữa tùy vào nhu cầu của mỗi bạn |
Theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Thời gian | Hoạt động |
8h | Dậy và bú sữa |
11h | Bú sữa và ăn dặm |
12h – 13h | Ngủ trưa |
14h | Bú sữa |
15h – 16h | Ngủ |
18h | Bú sữa và ăn dặm |
20h | Có thể cho bé bú sữa tùy vào nhu cầu của mỗi bạn |
Theo phương pháp ăn dặm truyền thống
Thời gian | Hoạt động |
6h00 | Bú sữa |
9h00 | Ăn bột ăn dặm |
11h00 | Ăn trái cây |
12h00 | Bú sữa |
14h00 | Ăn bột ăn dặm |
16h00 | Uống nước trái cây |
18h00 | Bú sữa |
3. Bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày theo từng giai đoạn
Thời gian | Bé 6 tháng tuổi | Bé 7 – 8 tháng tuổi | Bé 9 – 10 tháng tuổi |
Buổi sáng khi ngủ dậy | Bú sữa | Bú sữa | Bú sữa |
Giữa buổi | Bú sữa | Ăn bột/cháo/trái cây nghiền | Ăn cháo/bột |
Buổi trưa | Ăn bột/cháo/trái cây nghiền | Ăn nhẹ với trái cây hoặc sữa chua | Ăn cơm nhuyễn kèm thức ăn xé nhỏ, rau củ mềm |
Giữa chiều | Bú sữa | Bú sữa | Ăn nhẹ với trái cây, bánh, sữa chua |
Buổi tối | Bú sữa | Ăn bột/cháo/trái cây nghiền | Ăn cơm nhuyễn kèm thức ăn xé nhỏ, rau củ mềm |
Trước khi đi ngủ | Bú sữa | Bú sữa | Bú sữa |
Trong giai đoạn 6 tháng tuổi, trẻ có thể mới làm quen với ăn dặm, mẹ cho bé ăn 1 bữa/ngày sau đó tăng dần lượng ăn trong 1 bữa lên nếu bé hợp tác. Lưu ý giai đoạn này bé chưa ăn được các loại thực phẩm khó tiêu, mẹ chủ yếu cho bé ăn cháo ăn dặm, các loại rau củ hoặc trái cây nghiền.
Đến khi bé được 7 tháng tuổi, hệ tiêu hóa đã làm quen với thức ăn có dạng đặc hơn sữa mẹ 1 chút, mẹ có thể tăng số lượng bữa ăn lên 2 bữa chính/ngày cùng với bữa ăn nhẹ vào buổi sáng. Mẹ cũng có thể thêm 1 số loại thực phẩm chứa đạm vào thực đơn của con như thịt nạc, cá, trứng, …
Giai đoạn con 9 tháng tuổi trở lên, nhiều bé đã mọc được khá nhiều răng, mẹ có thể cho con tập ăn cơm nhuyễn cùng thức ăn được rồi. Mẹ cần đảm bảo cho con đủ 3 bữa chính và 1 bữa ăn nhẹ trong ngày. Mẹ có thể thêm hải sản và các loại thực phẩm giàu đạm nếu bé không bị dị ứng.
Có nhiều mẹ cho con ăn dặm từ khá sớm, có thể đã bắt đầu từ khi con được 4 tháng tuổi, mẹ cũng có thể áp dụng bảng thời gian ăn dặm cho bé trong 6 tháng tuổi nhưng cần đảm bảo về nguyên tắc ăn dặm vì lúc này hệ tiêu hóa của con còn khá non yếu, chưa thế tiêu hóa được lượng thức ăn quá lớn.
4. Những điều cần lưu ý khi cho con ăn dặm
Dù bé bắt đầu ăn dặm ở độ tuổi nào đi nữa, mẹ cũng cần lưu ý những điều sau để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của con, nhất là thời điểm con mới bắt đầu ăn dặm.
– Con cần được ăn thức ăn có độ mịn tuyệt đối trong những ngày đầu tiên, mọi loại thức ăn đều cần nghiền nhuyễn trước khi cho con ăn
– Cho con ăn từ ít đến nhiều để hệ tiêu hóa của con làm quen với thức ăn khác sữa mẹ
– Không áp dụng bảng thời gian cho bé ăn dặm 1 cách cứng nhắc. Nếu đến giờ ăn mà bé vẫn ngủ, mẹ có thể để con ngủ thêm chút nữa, nếu đánh thức con dậy và bắt ăn có thể bé sẽ không chịu
– Trẻ cần ít nhất 3 – 5 ngày để làm quen với thức ăn mới, đừng ngày nào cũng cho con ăn những món quá lạ lẫm, hệ tiêu hóa của con không kịp thích nghi được
– Dầu ăn có thể nêm cho con khi đã đủ 6 tháng tuổi, gia vị ăn dặm con có thể ăn khi đủ 1 tuổi. Tuyệt đối không dùng mật ong cho co dưới 1 tuổi
– Tăng dần độ thô của thức ăn theo tháng tuổi của con, ăn mãi bột mịn con cũng sẽ cảm giác chán ngán
– Bữa ăn của con đừng để kéo dài quá 30 phút và cũng đừng nấu 1 lần để con ăn mấy bữa.
Trên đây là bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày mẹ có thể tham khảo cho con. Nếu bé nhà mẹ có lịch sinh hoạt lệch hẳn so với bảng trên, mẹ hãy điều chỉnh dần dần để bé thay đổi đồng hồ sinh học. Nếu đổi ngay sẽ khó để con thích nghi với lịch sinh hoạt mới.
Bài viết liên quan
>>> Đề phòng bé bị táo bón khi ăn dặm
>>> Thứ tự giới thiệu thực phẩm cho bé ăn dặm tránh được những nguy cơ bị dị ứng