Rau củ luôn là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn của bé. Đặc biệt với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, rau củ còn có vai trò quan trọng khác ngoài đóng góp thành phần dinh dưỡng. Mẹ có biết vai trò đó là gì không? Cùng tìm hiểu cách chế biến rau cho bé ăn dặm kiểu Nhật để khám phá thêm ý nghĩa về sự góp mặt của rau xanh nhé!
Contents
1. Rau củ có thực sự cần thiết trong bữa ăn dặm của trẻ?
Như các mẹ đã biết, rau củ có hàm lượng chất xơ, vitamin cực nhiều nên dễ bắt buộc phải bổ sung cho trẻ trong tất cả các bữa ăn để:
– Cung cấp chất xơ, hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón
– Cung cấp nước, ngăn ngừa béo phì
– Duy trì cân nặng
– Bảo vệ bé khỏi các bệnh tim mạch
Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, rau củ trong ăn dặm kiểu Nhật còn dùng để tăng “vị” trong các món ăn cho bé. Mẹ cũng biết với trẻ dưới 12 tháng tuổi, mẹ tuyệt đối không thêm các loại gia vị như nước mắm, muối, đường, … vào thức ăn của trẻ. Người Nhật đã sử dụng rau củ để chế biến nước Dashi nhằm tăng thêm vị cho món ăn của con. Ngoài ra nếu mẹ có quan tâm đến các sản phẩm gia vị ăn dặm cho bé từ 6 tháng tuổi, mẹ sẽ thấy Nhật Bản sản xuất sẵn các gói hạt nêm ăn dặm từ tảo bẹ, rong biển, …
2. Các loại rau củ thường được dùng để chế biến cho con ăn dặm?
– Khoai tây, cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ: là 4 loại rau củ có mặt trong những bữa ăn đầu tiên của trẻ, phần vì giàu chất dinh dưỡng, phần vì các loại thực phẩm này dễ chế biến, mùi rau củ không quá nồng, bé dễ ăn.
– Các loại rau họ đậu: họ đậu luôn là thực phẩm vàng vì cực giàu dinh dưỡng. Khi bé chưa hấp thụ được các loại protein nguồn gốc động vật thì đậu tương, đậu cô ve, đậu hà lan, … sẽ cung cấp hàm lượng protein thực vật tuyệt vời, con không lo thiếu chất.
>>> Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho trẻ từ 5 – 8 tháng tuổi tốt nhất
– Rau bina, củ cải vàng, củ cải trắng, rau mùi tây: hàm lượng chất xơ trong các loại rau này rất lớn. Đặc biệt là rau bina, không chỉ tốt cho bé mà còn tốt cho cả mẹ nữa.
– Lê, chuối, táo, kiwi, bơ: 4 loại quả này có thể làm món nghiền luân phiên các bữa cho con thì rất tuyệt nha các mẹ.
3. Cách chế biến rau cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Giai đoạn 1: Sơ chế
– Sơ chế các loại rau có lá: Loại bỏ gốc và rau già, cắt khúc nhỏ rồi rửa sạch
– Sơ chế các loại củ: gọt vỏ, bỏ lõi nếu có, cắt thành khúc nhỏ rồi rửa sạch
– Sơ chế các loại trái cây: rửa sạch, gọt vỏ, loại bỏ phần lõi (mẹ nhớ rửa sạch tay trước khi gọt trái cây) rồi cắt thành miếng nhỏ
Giai đoạn 2: Chế biến chín
Có 1 số cách chế biến chín các loại rau củ trong ăn dặm kiểu Nhật như sau:
Luộc chín
Cho rau củ vào nồi nước, luộc như luộc rau bình thường. Khi rau chín thì vớt ra đĩa để xử lý tiếp.
Hấp cách thủy
Đây là phương pháp được nhiều mẹ sử dụng nhất vì có thể giữ lại hàm lượng dinh dưỡng tuyệt đối trong thức ăn. Mẹ cho rau, củ ra đĩa rồi cho lên nồi hấp cách thủy khoảng 10 – 15 phút tùy vào loại rau củ mẹ chế biến. Sau khi thấy rau củ đổi màu, dùng dĩa chọc vào thấy mềm là có thể tắt bếp, cho rau ra đĩa được rồi.
Giai đoạn 3: Chế biến rau củ cho con ăn dặm theo từng giai đoạn
– Với con từ 5 – 6 tháng: giai đoạn này bé mới tập ăn dặm nên cần thức ăn mịn để dễ tiêu hóa. Rau củ sau khi đã hấp chín hoặc luộc chín, mẹ cho ra cối giã nhỏ sau đó chuyển sang dụng cụ rây, dùng thìa nghiền nhuyễn để rau mịn. Mẹ thêm một chút nước Dashi cho rau củ lỏng hơn, bé sẽ dễ ăn hơn. Cho ra bát và để con ăn cùng cháo rây 1 : 10.
– Với con từ 7 – 8 tháng tuổi: giai đoạn này mẹ có thể cho con ăn rau củ nghiền thô hơn, chỉ giã nhỏ trong cối mà không cần nghiền. Hoặc mẹ có thế hấp chín rồi cắt thành từ khúc nhỏ 2 – 3mm cho bé tự xúc ăn.
– Với con từ 9 – 11 tháng tuổi: giai đoạn này bé đã ăn tốt các loại thực phẩm có độ thô cao hơn rồi. Cắt rau thành từng miếng dài 3 – 4mm rồi mang đi hấp chín sau đó cho ra bát để con xúc ăn.
– Với con từ 12 tháng trở đi: con có thể ăn các loại rau củ dài 5 – 6mm.
>>> Hướng dẫn mẹ cách bảo quản các loại đồ ăn dặm kiểu Nhật
4. Chế biến nước Dashi rau củ cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Nước Dashi có rất nhiều công thức chế biến nhưng chế biến từ rau củ lại là công thức được các mẹ ưa chuộng hơn cả.
– Bước 1: chọn các loại rau củ có vị, có mùi hương như ngô ngọt, mướp hương, măng tây, khoai tây, khoai lang, cà rốt, bí đao, lê, mía …Thực hiện sơ chế như các bước ở trên đã hướng dẫn.
– Bước 2: cho rau củ vào nồi, cho khoảng 800 – 1000ml nước lọc. Những loại rau củ nào nhanh chín, nhừ nên cho vào sau.
– Bước 3: bật bếp đun sôi trong khoảng 30 phút rồi tắt bếp. Gạn nước rồi để nguội sau đó cho vào khay trữ đông, khi cần sẽ lấy ra dùng dần. Lưu ý nước Dashi có thể dùng được trong vòng 1 tuần kể cả khi trữ đông.