Cháo ăn dặm kiểu Nhật là món ăn cực kỳ phổ biến được các mẹ thường xuyên đưa vào thực đơn của con bởi vì cháo phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt trong giai đoạn đầu đời và cũng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho con. Trong bài viết này, tapchiandam sẽ hướng dẫn mẹ 3 cách nấu cháo ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ gạo, bánh mỳ và rau củ, đảm bảo bé nhà mẹ sẽ cực kỳ hứng thú khi ăn.
Contents
1. Hướng dẫn mẹ 3 cách nấu cháo ăn dặm kiểu Nhật cho bé
Ăn dặm kiểu Nhật thường không khó thực hành nhưng cũng khá nhiều nguyên tắc mẹ cần đảm bảo để áp dụng hiệu quả. Trong các bài viết trước tapchiandam đã đề cập đến các nguyên tắc ăn dặm theo giai đoạn và khẩu phần ăn của bé cần đảm bảo những thành phần gì, mẹ nên tìm đọc trước.
Cách nấu cháo ăn dặm kiểu Nhật từ gạo
– Bé từ 5 – 6 tháng: giai đoạn này bé chủ yếu ăn cháo loãng với tỉ lệ gạo : nước tương ứng 1 : 10. Gạo mẹ nên lựa loại gạo thơm, gạo còn mới, vo sạch rồi cho vào nồi theo tỉ lệ như trên. Ngâm gạo trong nồi khoảng 30 phút mới bắt đầu nấu. Trong khi nấu cháo, mẹ lưu ý bật bếp nhỏ để cháo nhừ và mềm hơn. Nấu trong khoảng 40 phút hoặc mẹ thấy hạt cháo đã nở bung thì tắt bếp. Đậy vung lại, để như vậy trong nồi 15 phút cháo sẽ ngon hơn. Mẹ mang cháo nghiền nhuyễn và lọc qua rây là có món cháo ăn dặm cơ bản cho con thưởng thức rồi.
– Bé từ 7 – 8 tháng: mẹ thay đổi tỉ lệ gạo nước tương ứng 1 : 7, giai đoạn này bé đã có thể ăn được cháo đặc hơn so với giai đoạn 5 – 6 tháng. Về cách nấu tương tự nhưng ở thời điểm này, ngoài cháo trắng ra, mẹ đã có thể cho bé ăn cùng các loại rau củ nghiền nhuyễn để tăng thêm thành phần dinh dưỡng và đổi vị cho bé trong mỗi bữa ăn. Gợi ý cho mẹ 1 số loại rau củ phù hợp: cà rốt, bí đỏ, khoai tây, …
– Bé từ 9 – 11 tháng: giai đoạn này tỉ lệ gạo nước sẽ là 1 : 5, lúc này nhu cầu về dinh dưỡng của bé tăng lên đáng kể. Ngoài việc tăng lượng gạo khi nấu cháo, mẹ cũng cần tăng thêm lượng cháo bé ăn trong mỗi bữa và tăng cả số bữa ăn lên 2 thậm chí là 3 bữa, tùy vào tính “háu đói” của mỗi con. Giai đoạn này, cháo mẹ nấu cũng không cần nghiền nhuyễn nữa, bé đã có thể ăn được thực phẩm có độ thô tốt hơn rồi
– Bé từ 11 – 12 tháng: tỉ lệ gạo nước lúc này là 1 : 2, bé lúc này thậm chí còn sẵn sàng ăn cơm cùng ba mẹ. Đừng quên bổ sung thêm protein trong bữa ăn của con mẹ nhé. Bé lúc này đã có thể ăn được rất nhiều loại thịt, cá khác nhau rồi.
Ngoài gạo ra, mẹ có thể dùng cơm đã nấu chín để nấu cháo ăn dặm kiểu Nhật cho bé. Tỉ lệ cơm : nước sẽ khác gạo một chút, lần lượt là 1:4,5; 1:3; 1:2 và 1:1 tương ứng với các giai đoạn trên của trẻ.
Cách nấu cháo ăn dặm kiểu Nhật từ bánh mì
Ngoài nguyên liệu gạo, mẹ cũng có thể sử dụng bánh mỳ để nấu thành cháo cho bé theo tỉ lệ 1 bánh mỳ : 5 nước. Cách chế biến cực kỳ đơn giản, bánh mỳ mẹ loại bỏ phần vỏ vàng, thông thường dùng bánh mỳ sandwich sẽ dễ nấu hơn, sau đó xé nhỏ, cho vào nồi theo đúng tỉ lệ. Đun khoảng 1 – 2 phút sẽ có hỗn hợp sánh mịn, mẹ thêm một chút sữa bột vào (lượng sữa bột bằng 2/3 lượng bánh mỳ) rồi khuấy đều. Như vậy là đã có món cháo bánh mỳ thơm phức cho bé.
Cách nấu cháo ăn dặm từ rau củ
Nguồn thực phẩm cung cấp tinh bột cho bé không chỉ đến từ gạo và mỳ. Các loại ngũ cốc khác như ngô, khoai mẹ cũng có thể sử dụng để nấu cháo cho bé. Thậm chí là cà rốt, bí đỏ cũng có thể dùng để làm cháo nghiền cho bé được.
Cách chế biến món này cực kỳ đơn giản, với rau củ, mẹ loại bỏ vỏ, rửa sạch rồi đem đi luộc hoặc hấp chín sau đó xay nhuyễn. Trong khi xay rau củ, mẹ có thể thêm nước dashi hoặc nước luộc rau củ để hỗn hợp lỏng hơn. Tiếp theo mẹ cho hỗn hợp lọc qua rây, như vậy là đã có món cháo rau củ cực kỳ lạ miệng cho bé rồi.
>>> Học mẹ Nhật phương pháp ăn dặm cho bé 4 tháng tuổi
2. Mách nhỏ mẹ 2 cách nấu cháo ăn dặm cho bé cực nhanh và đơn giản
Nấu cháo ăn dặm bằng nồi cơm điện
Với cách này mẹ có thể sử dụng cốc nấu cơm nát Pigeon hoặc dụng cụ bằng sứ, inox miễn là có thể chịu được nhiệt trong nồi cơm điện, có vạch chia ml thì càng tốt. Mẹ cho lượng gạo, nước vào cốc nấu cơm với tỉ lệ tương ứng, khi bắt đầu nấu cơm cho giai đình, hãy cho cốc vào trong nồi, nấu như bình thường. Đến khi cơm của cả nhà chín là món cháo trắng của bé cũng hoàn thành rồi. Trong thời gian chờ cháo chín, mẹ có thể rảnh tay để chế biến các thực phẩm khác mà không cần canh nồi cháo nữa rồi.
Nấu cháo ăn dặm bằng bếp gas hoặc bếp điện
Cách này được các mẹ sử dụng nhiều hơn vì dụng cụ đơn giản. Có 1 số lưu ý mẹ cần nhớ khi nấu cháo bằng bếp gas hoặc bếp điện.
– Ngâm gạo trong nồi khoảng 30 phút để gạo ngấm nước và nhanh chín nhừ hơn
– Khi cháo bắt đầu sôi, hãy bật lửa nhỏ lại chỉ để nhiệt đủ sôi lục bục trên bề mặt cháo. Như vậy cháo sẽ không bị trào ra ngoài
– Trong khi nấu nên đậy nắp vung để không bị bay hơi và nhanh cạn nước nồi cháo của mẹ. Nồi thủy tinh hoặc nồi có nắp vung thủy tinh sẽ là lựa chọn thích hợp để mẹ có thể quan sát độ chín của cháo mà ít cần mở nắp.
– Sau khi tắt bếp, nên để thêm 15 phút nữa, cháo sẽ chín nhừ và có độ sánh hơn
Nấu cháo cho bé ăn dặm kiểu Nhật rất đơn giản, mỗi ngày mẹ chỉ cần dành ra 15 – 30 phút là có thể làm cho bé 1 bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng rồi. Vậy nên nếu không quá bận rộn, mẹ hãy thực hiện nguyên tắc “nấu bữa nào ăn bữa đó” để bé cảm nhận đầy đủ hương vị của thực phẩm tươi mẹ nhé!
>>> Hướng dẫn mẹ cách bảo quản các loại đồ ăn dặm kiểu Nhật