Những nguyên tắc mẹ cần nhớ để giúp con ăn ngoan, chóng lớn

0
819

Khi trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm, ba mẹ sẽ bắt đầu bằng một loạt các thắc mắc và tìm kiếm nguồn thông tin khác nhau. Đây cũng là thời điểm bé bắt đầu làm quen với các thức ăn khác ngoài sữa mẹ, được ba mẹ thiết lập các hành vi, thói quen ăn uống cho trẻ.

Để cùng con thiết lập một chế độ ăn phù hợp, đúng nguyên tắc nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của con. Việc ăn dặm của bé sẽ nhàn hơn khi bố mẹ biết những nguyên tắc mẹ cần nhớ để giúp con ăn ngoan dưới đây:

1. Khi nào cho bé ăn dặm?

Theo như khuyến cáo, thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm là khi bé tròn 6 tháng tuổi (180 ngày tuổi). Mặc dù vậy, tùy từng trường hợp của các bé mà thời điểm bắt đầu ăn dặm cũng khác nhau hoặc chênh nhau 1-2 tuần.

  1. Chế biến thực phẩm, đồ ăn dặm nhạt

Nhìn chung, cơ thể con người cần một lượng muối nhất định để hoạt động tốt. Muối không được tự sản xuất cho cơ thể, chính vì vậy, trong chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta cần phải có 1 lượng muối nhỏ. Tuy vậy, nhu cầu muối của bé là rất ít (ít hơn 1g mỗi ngày cho đến khi bé được 12 tháng tuổi) và nhu cầu này được đáp ứng đầy đủ qua sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Đối với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, thận chưa đủ trưởng thành để xử lý nhiều hơn lượng muối này, có nghĩa nếu thêm muối vào thức ăn cho bé có thể dẫn đến tổn thương thận nghiêm trọng.

Ngoài ra việc tiêu thụ quá nhiều muối từ khi còn nhỏ có thể dẫn đến bệnh cao huyết áp trong cuộc sống sau này – đặc biệt là trong gia đình có tiền sử tăng huyết áp.

Những nguyên tắc mẹ cần nhớ để giúp con ăn ngoan
Những nguyên tắc mẹ cần nhớ để giúp con ăn ngoan

Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, bố mẹ nên chế biến đồ ăn thực phẩm cho bé “không có muối”, hãy để bé có cơ hội được cảm nhận mùi, vị đặc trưng của thực phẩm. Có thể bố mẹ thấy thức ăn quá nhạt nếu không có muối, bởi vì bố mẹ đã quen với vị mặn của thức ăn hàng ngày.

Ngoài ra, một cách khác để giúp bữa ăn dặm của bé thêm mùi vị hấp dẫn đó là thay vì nêm muối vào thức ăn của bé, hãy thử nêm rau thơm, các loại hương liệu hoặc tỏi. Những “hương liệu tự nhiên” tự bản thân nó đã tốt cho sức khỏe. Một số mẹ dùng tiêu đen xay để tăng thêm hương vị cho món ăn, và tiêu cũng là một trợ thủ tuyệt vời giúp tiêu hóa thức ăn.

Nguồn thức ăn có ẩn chứa muối là những loại nào?

  • Lưu ý khi pha sữa cho bé. Hướng dẫn trên hộp sữa công thức đều ghi không được pha quá đậm đặc vì lượng sữa công thức quá nhiều sẽ chứa quá nhiều muối cho bé.
  • Trường hợp mẹ sử dụng rau củ đóng hộp để nấu cho bé, hãy kiểm tra nhãn để đảm bảo không có muối.
  • Trẻ biết đi có thể chịu đựng muối ở mức độ cao hơn so với trẻ sơ sinh một chút thôi. Nên khi lựa chọn thức ăn sẵn đóng lọ, mẹ phải xem kỹ nhãn có ghi độ tuổi thích hợp cho bé.
  • Cho bé sử dụng phô mai có lượng natri thấp và kiểm tra nhãn cẩn thận
  • Tránh các loại thịt (như giăm bông, xúc xích,… vv) và thực phẩm chế biến sẵn khác như nước sốt trộn sẵn. Mức độ muối trong những thực phẩm này là quá cao cho bé.
  1. Cân bằng dinh dưỡng cho trẻ theo chu kỳ mỗi 2 – 3 ngày

Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, ba mẹ hãy cung cấp cho bé thực đơn đủ chất, nhưng không nhất thiết bé phải ăn đủ hết các món trong 1 bữa. Bữa này bé ăn nhiều đạm, thì bữa sau bé có thể ăn nhiều rau củ. Nhất là trong giai đoạn con biếng ăn. Sao cho trong vòng 2 – 3 ngày bé nạp vào người đủ các nhóm chất.

  1. Không ép trẻ ăn hay bú

Điều quan trọng, bé muốn ăn bao nhiêu sẽ để cho bé tự quyết định. Ba mẹ có thể dụ dỗ bé bằng nhiều cách để bé ăn thêm, nhất là ở giai đoạn biếng ăn, như làm thức ăn nhiều màu sắc hơn, đưa ra thêm 1 món bé thích, đưa muỗng nĩa chén bát cho bé tự xúc, cho bé bốc, vọc thức ăn trong chén…

  1. Cho bé ngồi tại ghế ăn, không đi rong

Việc cho trẻ ăn rong như đưa trẻ ra ngoài, dụ dỗ trẻ cuốn hút vào những thứ xung quanh để người lớn tranh thủ đút, tương tự như khi “dụ” trẻ bằng TV, ipad… sẽ khiến trẻ ăn một cách thụ động và không có ý thức. Thông thường, ở những chỗ đông người, ngoài đường, sân vui chơi thường có nhiều người qua lại nên dễ bị bụi bẩn bay vào đồ ăn, gây mất vệ sinh, dễ nhiễm khuẩn. Ngoài ra, ba mẹ không thể lúc nào cũng đưa trẻ ra ngoài để ăn được như khi gia đình có công việc, khi trẻ ốm đau, thời tiết mưa, nắng…

Những nguyên tắc mẹ cần nhớ để giúp con ăn ngoan
Những nguyên tắc mẹ cần nhớ để giúp con ăn ngoan

Về mặt y học, cho trẻ nghịch đồ chơi và xem tivi khi đang ăn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ: trẻ có thể ăn nhiều hơn, nhưng không tập trung vào việc ăn, mà chỉ tiếp nhận thức ăn một cách thụ động. Vì quá tập trung vào màn hình hay đồ chơi, nên bé không hề cảm nhận được mùi, được vị.

Bên cạnh đó, khi bắt đầu ăn dặm, trẻ đã được học thói quen không tốt thì quá trình phát triển sau này bé sẽ quen, đòi ra ngoài, đòi chơi chứ không ngồi, không chịu ăn tập trung.

  1. Thực hành bữa ăn vui vẻ

Mẹ hãy khen ngợi bé khi bé ăn ngoan và thường xuyên cười với bé, kể cho bé nghe những món bé đang ăn, mẹ hãy khiến cho bữa ăn là sự học hỏi, tìm tòi thú vị… Nếu được, bữa ăn trình bày đẹp cũng sẽ giúp bé thích thú hơn.

  1. Không so sánh với khả năng ăn hay cân nặng với các bé khác

Trong giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, miễn là bé vẫn nằm trong chuẩn bình thường, phát triển đều, vận động tốt, thì bố mẹ không cần quá lo loắng hay so bì bé nhà mình với bé nhà khác.

  1. Lưu ý thời gian cho bé ăn dặm

Thời gian ăn dặm là rất quan trọng trong cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên và các bữa ăn dặm sau này. Khi cho bé ăn dặm bố mẹ chỉ nên duy trì thời gian cho con ăn khoảng 30 phút, nếu quá thời gian này trẻ không ăn bố mẹ hãy dọn bữa. Lâu dần với cách làm này trẻ sẽ hiểu được rằng nếu không ăn sẽ đói, đây là thời gian ăn của mình.

  1. Thật kiên trì với bé

Cho bé ăn dặm, mẹ sẽ thấy nhiều lúc bé tự chọn thức ăn cho bé, nếu thấy con không thích phun thức ăn ra, mẹ nên cho bé thử lại lần khác, không nên bỏ cuộc sẽ dẫn tới việc bé kén thức ăn sau này. Thống kê cho thấy, để trẻ có thể làm quen thức ăn mới, trung bình mẹ có thể phải cho bé thử 5-10 lần. Hãy kiên nhẫn mẹ nhé!

  1. Chuẩn bị dụng cụ cho bé ăn sẵn sàng

Khi cho con ăn dặm bố mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ hỗ trợ ăn dặm an toàn, vệ sinh và đẹp mắt cũng là một yếu tố quan trọng giúp cho lần đầu tiên ăn dặm của bé: một ghế ngồi ăn dặm (nếu bé đã ngồi vững), bộ bát, muỗng, cốc uống nước và túi ăn dặm dành cho các bé ăn kiểu BLW (ăn dặm bé tự chỉ huy).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây